MỐI QUAN HỆ CỦA MẮT VỚI NGŨ TẠNG TRONG CƠ THỂ
Theo y học cổ truyền, tạng Can khai khiếu ra mắt, mắt là nơi hội tụ tinh hoa của ngũ tạng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. Các tạng phủ cùng nhau đưa tinh hoa lên nuôi dưỡng mắt, đồng thời khi tạng phủ bị mất cân bằng thì mắt cũng sẽ biểu hiện bệnh lý tương ứng.
- Hai mí mắt trên- dưới ứng với tạng Tỳ
Tỳ chủ cơ nhục, điều chỉnh cơ xung quanh nhãn cầu, giúp mí mắt đóng mở. Tỳ khí sung dưỡng thì mí mắt tự đóng mở, nhãn cầu chuyển động linh hoạt. Nếu tỳ khí bất túc thì cơ nhục thất dưỡng gây sụp mí mắt.
Tỳ chủ vận hóa thủy thấp và phân bố dinh dưỡng vật chất, những người có Tỳ bị bệnh thường sưng mí mắt. Khi điều trị các bệnh về mắt phải chú ý điều chỉnh công năng tạng Tỳ, có thể cải thiện dinh dưỡng, huyết dịch lưu hành đến mắt tốt hơn.
- Mạch máu trong và ngoài mắt ứng với tạng Tâm:
Tâm chủ huyết mạch, công năng của tạng Tâm mất điều hòa làm ảnh hưởng đến tuần hoàn huyết dịch ở mắt, gây ra tình trạng mỏi mắt, giảm thị lực,…vv
Khi điều trị các bệnh về mắt phải chú ý điều lý chức năng tạng Tâm, giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và dinh dưỡng đến mắt.
Ngoài ra trong y học cổ truyền, vọng mắt tìm thần là căn bản của chẩn đoán đông y. Nếu tâm thần rối loạn thì mắt không nhận ra người. Tâm bất ngờ sợ hãi sinh ra ảo giác, nếu Tâm dương bất túc thần quang không thể phát ra thì gây cận thị.
- Lòng trắng ở mắt ứng với tạng Phế:
Củng mạc mắt (lòng trắng) của mắt tạo ra cấu trúc và sự an toàn cho các hoạt động bên trong mắt, giúp mắt linh hoạt khi dịch chuyển tìm kiếm các vật xung quanh. Theo YHCT thì lòng trắng của mắt thuộc tạng Phế.
Nếu tạng Phế có nhiệt thì thường gây ra chứng đau mắt đỏ (viêm củng mạc mắt)
Phế chủ hô hấp, có mối quan hệ mật thiết với việc cung cấp dưỡng khí oxy cho mắt. Chức năng tạng Phế bất túc có thể dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí cho mắt, dẫn tới giảm thị lực, khô mắt,…
Phế chủ tuyên phát, nhãn lạc thông sướng. Nếu tuyên phát thất thường khí cơ không lợi, huyết hành ngưng trệ hoặc thủy dịch không giáng thì mắt đỏ, sưng phù.
- Đồng tử ở mắt ứng với tạng Thận:
Đồng tử (con ngươi) là nơi ánh sáng bên ngoài đi vào võng mạc mắt, giúp mắt nhìn rõ sự vật, đồng tử có màu đen, thuộc tạng Thận chi phối.
Thận chủ tàng tinh, tinh sinh tủy, thông với não bộ, mục hệ thuộc não, tinh thông thì minh mục. Thận tinh sung mãn thì mắt được nuôi dưỡng nhìn sự vật rõ. Sự thịnh suy của tinh ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thị giác.Tư dưỡng thận tinh, ôn ấm mệnh môn hỏa là điều kiện sản sinh thị giác.
Thận chủ thủy dịch và có liên quan tới việc điều tiết nước mắt. Thận hư dẫn đến tình trạng khô mắt, thị lực giảm sút.
- Mống mắt (lòng đen) ứng với tạng Can:
Mống mắt có tác dụng điều chỉnh lượng ánh sáng vừa phải đi vào mắt, giúp mắt nhìn rõ sự vật. Theo YHCT thì mống mắt (lòng đen) do tạng Can điều phối.
Can chủ sơ tiết, giúp cho mắt điều tiết thoải mái dễ chịu, nếu Can uất khí trệ dẫn đến nhức mỏi mắt, nhìn mờ thị lực giảm, mắt khô đỏ, quáng gà,…
Can khí thông lên mắt, Can khỏe mạnh thì mắt có thể phân biệt được màu sắc sự vật .
Can chủ tàng huyết, Can huyết đầy đủ thì mắt mới có thể nhìn thấy. Nếu can huyết hư, mắt mất đi dinh dưỡng, dễ dẫn đến mù lòa, mắt nhìn tối đen.
Vì vậy mắt có quan hệ mật thiết chặt chẽ với ngũ tạng lục phủ trong cơ thể. Chữa bệnh ở mắt là phải chữa gốc bệnh ở trong ngũ tạng lục phủ .
Bs Trịnh Hằng-Quốc Y Đường
Để lại một bình luận